Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, tỉnh Cà Mau tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số. Qua đó, góp phần tạo ra giá trị mới trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, tỉnh Cà Mau tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số. Qua đó, góp phần tạo ra giá trị mới trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”.
Năm 2023, được xác định là năm quốc gia về dữ liệu số “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”. Trong đó, tập trung bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành, địa phương; mở dữ liệu, nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu. Để hưởng ứng năm quốc gia về dữ liệu số, từ đầu năm 2023, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau tập trung chỉ đạo, triển khai kết nối, tạo lập dữ liệu số, hình thành nên những cơ sở dữ liệu đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý của cơ quan Nhà nước. Mục tiêu trọng tâm là tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới trong các ngành, lĩnh vực dịch vụ công nghiệp, nông nghiệp, đất đai, giao thông, xây dựng, công thương, du lịch, lao động, việc làm… Cơ quan Nhà nước sử dụng dữ liệu từ các hệ thống thông tin theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp. Doanh nghiệp được hỗ trợ khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan Nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước tập trung kết nối, khai thác dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung và cắt giảm thành phần hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Anh Võ Chí Diễn, ngụ xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau cho biết: “Trước kia, nộp hồ sơ thủ tục hành chính giấy phải đến trực tiếp Bộ phận một cửa các cấp nhưng giờ nhờ được hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tôi có thể ngồi tại nhà để nộp mà không tốn quá nhiều thời gian, công sức. Tôi thấy việc này rất tiện lợi, chỉ cần mình đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, sau này có nộp hồ sơ gì cũng thuận tiện và không phải cung cấp chứng minh giấy tờ nhiều lần như trước nữa”.
Hệ thống thông tin quản lý đất đai VNPT- iLIS tỉnh Cà Mau.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang sử dụng và chuẩn hóa dữ liệu số về: Dữ liệu dân cư; dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức; dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành và phát triển ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn; dữ liệu đất đai; dữ liệu giám sát tài nguyên nước; dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; dữ liệu bản đồ quy hoạch sử dụng đất; dữ liệu cơ sở giáo dục đào tạo; dữ liệu cơ sở y tế; dữ liệu hồ sức khỏe điện tử công dân; dữ liệu thủ tục và kết quả thủ tục hành chính; dữ liệu cơ sở kinh doanh… và một số cơ sở dữ liệu khác của các hệ thống thông tin phục vụ chuyên ngành.
Dữ liệu số đang xây dựng và dự kiến hoàn thành trong năm 2023 gồm: Dữ liệu ngành Công Thương, dữ liệu ngành Xây dựng, dữ liệu ngành Giao thông, dữ liệu về hộ tịch ngành Tư pháp. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn hóa, phát triển và xây dựng dữ liệu số phục vụ cho chuyển đổi số. Các dữ liệu đang thực hiện thủ tục đầu tư như: Kho học liệu dùng chung ngành giáo dục; Cơ sở dữ liệu nền địa lý tỉnh Cà Mau; Số hóa hồ sơ đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh... Đến nay, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) đã kết nối, khai thác được 14/17 dịch vụ dữ liệu có chia sẻ qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Hiện tại, tỉnh đang thực hiện đầu tư Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC). Trong đó, có các nền tảng như: giám sát, điều hành thông minh, tổng hợp, phân tích dữ liệu, giám sát dữ liệu trực tuyến.
Cơ quan Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Những năm qua, tỉnh Cà Mau đã và đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số tại các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tính từ năm 2021 đến cuối tháng 6/2023, dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Đảng trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 – 2025 đã thực hiện được trên 50% hạng mục đầu tư. Cơ quan Đảng đã triển khai sử dụng chữ ký số đến cấp huyện, với trên 250 chữ ký số và thực hiện số hóa tài liệu cập nhật vào phần mềm văn kiện Đảng để tiện cho cán bộ, công chức trong nội bộ Đảng khai thác. Các cơ quan MTTQ và đoàn thể chính trị xã hội tỉnh đã và đang đề xuất xin chủ trương thực hiện các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin triển khai “Hội trường trực tuyến”, dự án “Mô hình Văn phòng số” quy mô đến cấp huyện, cấp xã.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trần Quốc Chính thông tin: “Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số và năm dữ liệu số quốc gia 2023, công tác an toàn thông tin mạng được tỉnh xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, các hệ thống thông tin dùng chung cài đặt tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh được quản lý, vận hành theo mô hình 04 lớp về an toàn thông tin theo quy định tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ tính riêng trong 06 tháng đầu năm 2023, hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời hơn 112.046 cuộc tấn công. Phần mềm phòng, chống mã độc quản lý tập trung đã phát hiện 174 máy tính bị lây nhiễm mã độc và xử lý xóa bỏ khỏi hệ thống hơn 588.440 mã độc”.
Song song với việc tập trung kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu số, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin, tỉnh Cà Mau tập trung phát huy vai trò của Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương, tăng cường cập nhật kiến thức, nền tảng kỹ năng số như hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt… tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh. Chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số và nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số và an toàn thông tin. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền về chuyển đổi số trong hệ thống chính trị, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực vào thành công của công tác chuyển đổi số tại địa phương.